Kỹ thuật là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển và chất lượng sản phẩm khi xuất chuồng, đặc biệt là vịt thương phẩm giống lấy thịt. Mọi kỹ thuật, khâu xây dựng chuồng trại, chuẩn bị dụng cụ, thức ăn, nước uống luôn được các nhà chăn nuôi quan tâm hàng đầu. Hiện nay có khá nhiều giống vịt thương phẩm cho năng suất kinh tế cao và mỗi loại đề có đặc trưng, hiệu quả kinh tế không giống nhau. Bài viết dưới đây sẽ cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi hai giống vịt thịt phổ biến nhất hiện nay.
Mục Lục
Các giống vịt thịt thương phẩm phổ biến
Với tiềm năng phát triển chăn nuôi vịt rất lớn, trong những năm qua nước ta đã nghiên cứu chọn lọc các dòng vịt chuyên thịt có năng suất trứng trung bình 240-255 quả/mái/50 tuần đẻ, vịt thương phẩm nuôi đến 49 ngày đạt 3,2-3,8 kg/con, cao hơn so với các giống vịt thịt trước đó như vịt Super M2, rút ngắnthời gian nuôi xuống được 15-20%, giảm tiêu tốn thức ăn/kg thịt hơi từ 0,3-0,5kg.
Các giống vịt thương phẩm
Vịt thương phẩm SH:
- Tuổi giết thịt: 56 ngày tuổi
- Tỷ lệ nuôi sống: 97,5-98,0%
- Khối lượng cơ thể: 3,7- 3,8 kg/con
- Tiêu tốn thức ăn/kg khối lượng: 2,5-2,6 kg
Vịt thương phẩm SD:
- Tuổi giết thịt: 56 ngày tuổi
- Tỷ lệ nuôi sống: 97- 98,5%
- Khối lượng cơ thể: 3,5- 3,7 kg/con
- Tiêu tốn thức ăn/kg khối lượng: 2,7-2,8 kg
Cách chọn vịt giống
– Con giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, có giấy kiểm dịch khi xuất bán.
– Chọn vịt con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng, có màu sắc lông tơ đặc trưng của giống. Nên đưa vịt con xuống chuồng nuôi trước 24 giờ tính từ lúc nở ra.
Chuẩn bị chuồng trại
Chuồng trại phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vịt
Vị trí
Nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng. Chuồng nuôi vịt cần có hệ thống thoát nước tốt. Bề mặt tường, trần và nền bằng gạch, bê tông, có láng xi măng bằng phẳng. Nền chuồng có độ dốc từ 7 – 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế. Mỗi chuồng cần có hiên rộng từ 1-1,5m để tránh mưa, nắng, gió. Mái được lợp bằng tôn, ngói hoặc các vật liệu địa phương, cần có độ dốc khoảng 300 trở lên để nước mưa có thể thoát tốt, tránh dột.
Xây dựng
Xây dựng chuồng phải có đầy đủ trang thiết bị chiếu sáng, thông gió và điều kiện phục vụ cho công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Tùy thuộc vào quy mô và nguồn tài chính mà người chăn nuôi có thể lựa chọn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố hay đơn giản sao cho phù hợp với nuôi vịt chuyên thịt ở các giai đoạn tuổi khác nhau.
Kiểu chuồng nuôi vịt phổ biến và phù hợp là hệ thồng chuồng mở (đây là kiểu chuồng không xây bịt kín xung quanh chuồng). Chuồng nuôi vịt có khung chuồng, tường xây bằng gạch hoặc có thể sử dụng các vật liệu như tre, gỗ, mái tôn hoặc ngói, lá để làm chuồng.
Cần có diện tích sân chơi bằng 1,5-2 lần diện tích nền chuồng, có thể đổ cát hoặc lát gạch, có độ dốc để không đọng nước. Có thể có mương nước, ao hồ sạch, xây bể hoặc máng nước nhân tạo có độ sâu 20-25cm với kích thước tuỳ thuộc số lượng vịt, hàng ngày thay nước để nước luôn sạch cho vịt tắm.
Chuồng nuôi vịt con
- Phải đảm bảo không có gió lùa trực tiếp vào vịt con, nhất là trong tuần tuổi đầu tiên.
- Có thể sử dụng chuồng sàn cao 1,0-1,2 m.
- Kích thước chuồng nuôi tùy vào số lượng vịt, thường có chiều rộng 6m, chiều dài 20m, có thể úm cho 1.500 – 2.000 vịt trong 2 tuần đầu.
- Tường xây cao 1m bằng gạch, bên trên sử dụng khung lưới B40 để tạo độ thông thoáng. Phần khung có thể sử dụng bạt để che chắn vào ban đêm, ban ngày mở để tạo thông thoáng giúp nền chuồng khô ráo. Chuồng đầu tư đơn giản có thể sử dụng cót ép, phên tre để che chắn thay cho tường gạch.
- Sân chơi có kính thước tối thiểu bằng kích thước chuồng nuôi.
Chuồng nuôi vịt dò
Kích thước chuồng thường có chiều rộng 9-12m, chiều dài tùy vào số lượng vịt, nhưng phải đảm bảo mật độ tối đa 4-5 con/m2 nền chuồng. Tường xây 3 mặt cao 0,5m bằng gạch, bên trên sử dụng khung lưới B40 để tạo độ thông thoáng. Phần mặt phía trước ngoài sân không xây để vịt đi lại tự do. Chuồng đầu tư đơn giản có thể sử dụng cót ép, phên tre để che chắn thay cho tường gạch.
Nền chuồng tốt nhất là bê tông hay lát gạch có độ dốc từ 7 – 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế…, hoặc sử dụng cát với độ dày 15 cm trở lên vì nền cát có ưu điểm hút nước tốt làm nền khô. Sân chơi có diện tích tối thiểu bằng 1,5-2 lần diện tích chuồng nuôi. Nếu sân chơi nền đất dạng sân vườn có cây xanh thì diện tích sân cần rộng hơn.
Chuẩn bị dụng cụ chăn nuôi vịt
- Rèm che. Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão (nhất là giai đoạn vịt con).
- Máng ăn. Dùng máng ăn bằng tôn có kích thước 70 x 50 x 2,5 cm, sử dụng cho 70-100 con/máng. Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cho vịt ăn bằng máng tôn có kích thước 70 x 50 x 5cm hoặc máng nhựa hình chữ nhật.
- Máng uống. Giai đoạn 1- 2 tuần tuổi: sử dụng máng uống tròn loại 2 lít. Giai đoạn 3-8 tuần tuổi: sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 30- 40 con/máng. Có thể sử dụng máng nhựa hình chữ nhật, máng tôn, chậu sành, chậu nhựa có kích cỡ phù hợp với độ tuổi của vịt.
- Chụp sưởi. Có thể dùng hệ thống lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo cung cấp đủ nhiệt cho vịt con. Dùng bóng điện 75W/1 quây (60- 70 vịt). Mùa đông 2 bóng/1 quây.
- Quây vịt. Dùng cót ép quây, chiều cao 0,4- 0,5m, dài 4- 4,5m; sử dụng cho 60-70 con/quây, từ ngày thứ 7 nới dần diện tích quây. Từ cuối tuần thứ 2, bỏ quây để cho vịt vận động, ăn uống được thoải mái.
Mật độ chăn nuôi vịt thương phẩm
Tùy điều kiện chăn nuôi, mùa vụ và khí hậu cụ thể có thể quyết định diện tích chuồng nuôi, mật độ nuôi thích hợp để vịt sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế lây nhiễm bệnh tật.
- Vịt 0-2 tuần tuổi: 22 con/m2 nền chuồng
- Vịt 2- 3 tuần tuổi: 12 con/m2 nền chuồng
- Vịt 4- 6 tuần tuổi: 6- 8 con/m2 nền chuồng
- Vịt 7- 8 tuần tuổi: 4-5 con/m2 nền chuồng
Nhiệt độ, độ ẩm
Đối với gia cầm non, đặc biệt đối với vịt con nhiệt độ có vai trò quyết định cho sự sinh trưởng, phát triển giai đoạn đầu. Nếu nhiệt độ thiếu, vịt sẽ còi cọc, rất dễ mắc bệnh và chết với tỷ lệ cao. Khả năng điều tiết thân nhiệt của vịt con giai đoạn đầu chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh và chịu ảnh hưởng nhiều vào điều kiện môi trường. Do vậy nhiệt độ phải đảm bảo cho vịt con đủ ấm.
Người chăn nuôi có thể căn cứ vào trạng thái biểu hiện của đàn vịt mà điều chỉnh lại chụp sưởi cho vịt. Khi thiếu nhiệt, vịt tập trung gần nguồn nhiệt dồn chồng lên nhau. Nếu thừa nhiệt, vịt tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác khát nước. Khi vịt dồn về một bên là do gió lùa. Trong trường hợp thừa, thiếu nhiệt và gió lùa, vịt kêu rất nhiều, cần quan sát tình trạng ăn uống, đi đứng của vịt con, nếu thấy con nào ủ rủ cần cách ly ngay để theo dõi.
- Yêu cầu nhiệt độ trong quây úm: 1-3 ngày tuổi: 32 – 340C; 4-7 ngày tuổi: 28-300C; 8-14 ngày tuổi: 26-280C.
- Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp để nuôi vịt giai đoạn úm trong khoảng 60 – 65%. Nếu kiểm tra thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay.
- Độ thông thoáng: Trong tuần đầu, lượng khí thải của vịt con không đáng kể nên mức độ trao đổi không khí thấp. Từ tuần thứ hai trở đi mức độ thông thoáng cần đáp ứng: 1m3 không khí/giờ/1kg khối lượng cơ thể. Điều kiện môi trường nuôi ngột ngạt có thể làm cho bệnh tật phát sinh, đặc biệt là bệnh nấm phổi. Chuồng nuôi luôn đảm bảo thông thoáng tốt, nhưng phải tránh gió lùa.
Ánh sáng, chế độ chiếu sáng
Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu: 23-24 giờ/ngày, dùng bóng điện treo cách nền chuồng 0,3- 0,5m. Sau đó mỗi ngày giảm 01 giờ chiếu sáng đến khi đạt 14- 15 giờ/ngày. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Trong tuần đầu, số giờ chiếu sáng là 23-24 giờ/ngày, các tuần tiếp theo giảm giờ chiếu sáng và cường độ chiếu sáng. Nếu dùng ánh sáng nhân tạo nên dùng ánh sáng mờ đủ để vịt tìm đến máng ăn, máng uống, vịt vận động ít sẽ hấp thụ thức ăn nhiều giúp cho khả năng tăng khối lượng nhanh.
Sưởi ấm
Trong 3 tuần tuổi đầu tiên, vịt cần được sưởi ấm, về mùa ấm cần sưởi ấm 2 tuần là đủ. Nhu cầu nhiệt độ tối thích hợp cho vịt trong 3 tuần đầu như sau:
+ Tuần thứ nhất: 35 – 24°C.
+ Tuần thứ hai: 24 – 18°C.
+ Tuần thứ ba: 18 – 20°C.
Nhiệt độ chuồng nuôi cố gắng ổn định suốt ngày đêm. Đó là một trong những yếu tố quan trọng đối với vịt con, đặc biệt là tuần tuổi thứ nhất. Nếu tuần đầu không đảm bảo đủ ấm cho vịt về sau vịt sẽ phát triển không đều, dễ cảm nhiểm bệnh tật, tốc độ tăng trưởng giảm sút.
Có thể dùng chụp sưởi gà con để sưởi cho vịt, song mật độ phải giảm. Thông thường chụp sưởi dùng cho 500 gà con chỉ thích hợp cho khoảng 300 vịt con. Vịt con thường cao hơn gà con trong giai đoạn sưởi ấm, do vậy muốn dùng chụp của gà con để sưởi ấm cho vịt con thì phải điều chỉnh lại độ cao cho thích hợp.
Thức ăn, phương pháp cho ăn đối với vịt thương phẩm
Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn.
Chỉ tiêu | 0-2 tuần tuổi | 3-6 tuần tuổi | 7-8 tuần tuổi |
Protein (%) | 20-22 | 18,5 | 17 |
ME (kcal/kg thức ăn) | 2850-2900 | 2900-2950 | 2950-3050 |
Lysine (%) | 1,17-135 | 1 | 0,88 |
Methionine (%) | 0,5-0,6 | 0,42 | 0,42 |
Canxi (%) | 0,8-1,0 | 0,9-1,0 | 1,0-1,1 |
Phospho (%) | 0,45-0,5 | 0,35-0,4 | 0,35-0,4 |
Xơ (%) | 3,5-4,5 | 4,0-4,5 | 4,0-4,5 |
Phương pháp cho ăn:
- Mục đích: giúp vịt lớn nhanh, lượng thức ăn phải đảm bảo thoả mãn được nhu cầu của vịt.
- Để vịt ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hoá thức ăn tốt cần cho ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để thức ăn thường xuyên mới, có mùi thơm sẽ kích thích vịt ăn được nhiều.
- Chú ý: Đảm bảo chất lượng thức ăn tốt, không bị nhiễm mốc.
- Giai đoạn 1-4 tuần tuổi: nuôi gột giống quy trình úm vịt con để sinh sản.
- Sau 4 tuần tuổi có thể kết hợp với chăn thả. Có thể sử dụng các loại thức ăn có sẵn ở địa phương
- Từ lúc 1 ngày tuổi đến khi giết thịt cho vịt ăn tự do, ăn càng nhiều càng tốt.
Nước uống và phương pháp cho uống
Mặc dù vịt là một loài thủy cầm, nhưng ngày nay người ta đã khẳng định không nhất thiết phải cung cấp nước bơi cho vịt. Thức tế nước bơi chỉ có tác dụng làm mát môi trường trong những ngày nóng bức và làm sạch bộ lông. Nước uống là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của vịt. Một nguyên tắc tối cao đối với vịt thịt là nước uống phải cung cấp đầy đủ suốt ngày và đêm vì vịt thịt ăn suốt ngày và đêm và vịt thịt không thể ăn mà không có nước uống. Nhu cầu nước uống của vịt thịt cũng biến đổi theo tuần tuổi, khối lượng nước nhu cầu cao hơn vịt hướng trứng.
- Cần phải cho vịt uống nước sạch. Trong 7 ngày đầu dùng máng uống 2 lít sau đó dùng máng 5 lít.
- Nuôi vịt thịt cho ăn tự do nên lượng nước uống cũng phải cung cấp nhiều (thường gấp 2 lần so với lượng thức ăn), do vậy từ 5 tuần đầu đến giết thịt có thể cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật. Máng uống phải dễ cọ rửa, làm vệ sinh, vịt uống được nhưng không tắm được.
Tiêm phòng vắc-xin
Ngày tuổi | Vắc-xin | Phòng bệnh | Cách sử dụng |
3 | Viêm gan vịt | Viêm gan vịt do virus | Tiêm dưới da cổ hoặc uống. |
7 | Dịch tả vịt (lần 1) | Dịch tả vịt | Tiêm dưới da cổ |
15 | H5N1 (lần 1) | Cúm gia cầm | Tiêm dưới da cổ – 0,5ml |
35 | Tụ huyết trùng (lần 1) | Tụ huyết trùng | Tiêm dưới da cổ |
Khi sử dụng vắc-xin cần chú ý những điểm sau:
- Chỉ sử dụng vắc-xin khi vịt khỏe mạnh
- Nên bổ sung vitamin tổng hợp hoặc điện giải cho vịt uống trong thời gian sử dụng vắc-xin.
- Sử dụng xi-lanh hoặc ống nhỏ đã được khử trùng (luộc sôi từ 5-10 phút)
- Sử dụng đúng liều lượng, bảo quản vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Lọ vắc-xin sau khi sử dụng phải được luộc sôi 30 phút, sau đó có thể chôn hoặc để nơi quy định
- Người tiêm vắc-xin phải được trang bị bảo hộ đầy đủ.