Bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm herpes gây bại huyết vịt và nhiễm trùng huyết, triệu chứng điển hình là sốt cao, sưng phù đầu, mù mắt, tiêu chảy, phân xanh trắng, biểu hiện thần kinh, lắc đầu. Do tỷ lệ chết rất cao (30-90%) và giảm sản lượng trứng, bệnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho người chăn nuôi. Còn rất nhiều thông tin bệnh mà người chăn nuôi cần biết, tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết, từ đó trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức về bệnh gia cầm nhé!
Mục Lục
Tìm hiểu đặc điểm bệnh dịch tả vịt
Căn nguyên của bệnh
Virút gây bệnh có tên herpesvirus, thuộc họ phụ Alpha-herpesvirinae. Virút dạng hình cầu, capsid có kích thước khoảng 91-93 nm, bao bên ngoài capsid là một lớp vỏ có đường kính 126-129 nm, nhân chứa ADN. Virút không gây ngưng kết hồng cầu.
Các loài dễ mắc bệnh
Nhiều giống vịt mắc bệnh này bao gồm vịt Bắc Kinh, vịt chạy đồng, vịt Khaki campbell. Ngoài ra bệnh còn thấy xuất hiện trên ngỗng, mòng két, vịt giời …
Đường lây truyền
Bệnh có thể lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa vật mắc bệnh và vật mẫn cảm hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc với môi trường mang mầm bệnh.
Triệu chứng bệnh
– Thời gian ủ bệnh khoảng 3-7 ngày.
– Tỷ lệ tử vong: 5-100%
– Ở vịt trưởng thành, chết đột ngột, xác béo, con đực gai giao cấu lòi ra ngoài.
– Ở vịt con 2-7 tuần tuổi, xác gầy, mỏ xanh, chảy nước mắt, mũi chảy dịch lẫn máu.
– Chảy nước mũi, viêm màng kết.
– Vật có biểu hiện sợ ánh sáng, mắt nhắm hờ.
– Ỉa chảy ra nước.
– Mất khả năng điều hoà vận động, ngoẹo cổ, run rẩy; nằm ngục, duỗi cánh.
– Giảm đẻ ở vịt đang cho trứng.
Bệnh tích dịch tả vịt
– Xuất hiện các điểm xuất huyết trên ngoại tâm mạc đặc biệt là vành tim, đôi khi quan sát thấy xuất huyết nội tâm mạc.
– Thực quản viêm, bề mặt niêm mạc phủ màng màu vàng nhạt.
– Niêm mạc ruột non, dạ dày cơ xuất huyết. Lòng ruột non phủ màng mỏng màu vàng nhạt. Manh tràng có các nốt loét.
– Tuyến ức teo, xuất huyết điểm tràn lan. Bề mặt niêm mạc túi fabricius chuyển sang màu đỏ thẫm, lắng đọng dịch rỉ viêm màu trắng.
– Bề mặt gan xuất hiện các điểm xuất và điểm hoại tử màu trắng có màu vàng nhạt, ánh màu đồng.
– Phần bề mặt cơ quan nội tạng tiếp xúc thành bụng phủ lớp dịch lỏng màu vàng sáng.
Cách điều trị dịch tả vịt
– Việc điều trị dịch tả vịt, ngan phải tiến hành song song 2 bước
* Bước 1: Tiêm ngay kháng thể Hanvet KTV
Tiêm bắp thịt, dưới da:
Vịt ngan dưới 2 tuần tuổi:
- Lần 1: 0,5-1 ml/con hoặc uống 1-2 ml/con
- Lần 2: 0,5-1 ml/con sau 3 ngày
Vịt ngan trên 2 tuần tuổi
- Lần 1: 1-2 ml/con hoặc uống 2-3 ml/con
- Lần 2: 1-2 ml/con sau 3 ngày.
Vịt ngan đang đẻ
- Lần 1: 4-5 ml/con hoặc uống 5-7 ml/con
- Lần 2: 4-5 ml/con sau 3 ngày.
* Bước 2: Cho đàn vịt, ngan uống ngay một trong các thuốc sau:
– Hamcoli forte liều 1g/kg thức ăn
– Genta-costrim liều 1g/kg thức ăn
Thuốc bổ:
– Hantophan, Bcompvit… liều 2-4ml/lít nước uống
– Hanminvit, Han-lytevitC, Bcomplex… liều 2-4g/ lít nước uống
– Thuốc điện giải, đường Glucose 5-10 g/ lít nước uống
Chú ý: Trộn đều thuốc với cám có rau xanh tươi thái nhỏ chia làm 5 lần cho ăn trong 1 ngày, liên tục trong 4-5 ngày.
Cách phòng bệnh dịch tả vịt
Tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn thả, vùng nước có vật mắc bệnh. Tiêm phòng vacxin Dịch tả vịt cho toàn đàn lúc 2 tuần tuổi. Để phòng bệnh Dịch tả một cách có hiệu quả, có thể sử dụng vacxin Dịch tả vịt do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Vetvaco sản xuất. Cách dùng như sau.
Vacxin an toàn nên tiêm được cho vịt ở mọi lứa tuổi, sau khi tiêm 7 ngày vịt miễn dịch với bệnh. Trong trường hợp dịch bùng phát có thể sử dụng vacxin Dịch tả vịt tiêm thẳng vào vịt nằm trong vùng có dịch để nhanh chóng dập dịch.
Khi tiêm cho vịt, tiến hành pha vacxin đông khô trong nước sinh lý vô trùng, nước cất hoặc dung dịch chuyên dụng theo liều ghi trên nhãn đảm bảo một liều/con tương đương 0,1 ml.
Vacxin Dịch tả vịt được tiêm dưới da hay tiêm bắp mỗi con một liều tương đương 0,1 ml/con.