Bệnh thiếu máu truyền nhiễm CAV trên gà không phải căn bệnh mới. Nó đã được phát hiện từ lâu và từng bùng thành làn sóng dịch tương đối lớn vào năm 2017. CAV được phát hiện chủ yếu trên đàn gà con bởi chúng chưa được bảo hộ bởi kháng thể chống virus mạnh mẽ. Tất nhiên gà đã lớn cũng có khả năng mắc bệnh, chỉ là tình trạng bệnh và tỷ lệ chết thấp hơn. Đã từng có trường hợp đàn gà thịt thương phẩm bị thiếu máu truyền nhiễm thể mãn tính khiến hiệu quả kinh tế bị thiệt hại nặng nề.
Mục Lục
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm do Chicken Anemia Virus (CAV) gây ra, chủ yếu gây bệnh trên gà con và gà trưởng thành, ít gây bệnh trên gà đẻ. Thiếu máu truyền nhiễm là một bệnh tương đối mới ở gà, báo cáo đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản. Bệnh được phát hiện chủ yếu trên đàn gà con chưa được bảo hộ bởi kháng thể chống lại virus, đôi khi cũng được phát hiện trên đàn gà thịt thương phẩm ở thể mãn tính (không có các biểu hiện triệu trứng), gây suy giảm miễn dịch và giảm hiệu quả kinh tế nặng nề.
Đường lây truyền của virus chủ yếu là truyền ngang từ gà mang mầm bệnh sang gà khỏe qua tiếp xúc hay đường phân – miệng. Tuy nhiên cũng có ghi nhận việc truyền dọc từ bố mẹ sang con nhưng chưa rõ ràng.
Virus gây bệnh thiếu máu truyền nhiễm trên gà có thể gây bệnh trên gà mọi lứa tuổi, mọi giống gà. Tuy nhiên các dấu hiệu lâm sàng chủ yếu được tìm thấy ở gà nhỏ (< 2 tuần tuổi). Sau đó tới gà 2 – 3 tuần tuổi. Tỷ lệ chết dao động 8 – 15% nhưng cũng có đàn chết đến 40%.
Các biểu hiện lâm sàng
Gà từ 10 ngày tuổi trở lên mới phát bệnh với các biểu hiện khá điển hình như sau: Gà ủ rũ, đứng tụm dưới nguồn nhiệt; Gà chậm lớn, gầy, xanh do thiếu máu; Tăng đột ngột tỷ lệ tử vong (thường là ở 13 – 16 ngày tuổi); Không có dấu hiệu lâm sàng hoặc ảnh hưởng đến sản lượng trứng hay khả năng sinh sản ở gà bố mẹ. Từ chân lông ống đuôi và cánh rỉ ra máu tươi, có nhiều trường hợp chảy thành dòng, tạo điều kiện thuận lợi cho những gà khác mổ cắn; Gà chết 10 – 15 ngày sau khi phát bệnh.
Thiếu máu truyền nhiễm gây suy giảm sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của gà có thể là nguyên nhân trực tiếp để gà dễ mắc nhiều bệnh thứ phát. Do đó tỷ lệ ốm và chết thường rất cao dưới hình thức của nhiều bệnh ghép…
Bệnh tích của CAV
– Xuất huyết lỗ chân lông ống.
– Trên da có nhiều nốt viêm hoại tử da.
– Xuất huyết cơ là bệnh tích đặc trưng của thiếu máu truyền nhiễm.
– Tuyến ức và túi Fabricius bị teo, kém phát triển.
– Các tủy xương nhợt nhạt biến sắc.
– Các bệnh tích khác nhau của các bệnh thứ phát.
Sự nguy hiểm khi gà mắc bệnh thiếu máu
Các dấu hiệu lâm sàng nặng nhất được thấy ở gà dưới 2 tuần tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong rất cao ở giai đoạn này. Sau 2- 3 tuần tuổi gà bắt đầu có kháng thể chống lại bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm trùng giai đoạn này vẫn còn rất cao. Gà nhiễm bệnh do CAV gây ra phụ thuộc vào:
– Liều gây bệnh.
– Mức độ kháng thể mẹ truyền.
– Sự hiện diện của các tác nhân gây ức chế miễn dịch khác như virus gây bệnh Marek, virus gây bệnh IB. Làm các trung tâm miễn dịch bị ức chế do tác dụng cộng hưởng của các virus và làm giảm hiệu quả bảo vệ của kháng thể mẹ truyền.
Tác động kinh tế của bệnh thiếu máu truyền nhiễm
– Hiệu quả kinh tế kém và tỷ lệ chết tăng ở gà thịt do hệ thống miễn dịch bị tổn thương.
– Các bệnh nhiễm trùng thứ phát làm tăng tỷ lệ chết, giảm khả năng thu nhận và chuyển hóa thức ăn, tăng các chi phí chăn nuôi như thuốc phòng và điều trị bệnh.
– Lây truyền dọc từ đàn bố mẹ dẫn tới có những biểu hiện bệnh trên đàn trên đàn gà thương phẩm làm tăng tỷ lệ chết.
– Bệnh không có các triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn sau 2 tuần tuổi nên việc phát hiện bệnh trên đàn gà thịt gặp nhiều khó khăn dẫn tới không đưa ra được một phương pháp kiểm soát hiệu quả
Chẩn đoán phân biệt, cách kiểm soát khi gà bệnh
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm giống với bệnh Gumboro ở chỗ cả 2 bệnh đều có hiện tượng xuất huyết cơ. Song bệnh thiếu máu truyền nhiễm không có biến đổi điển hình ở túi Fabricius giai đoạn đầu mới phát bệnh ở đường ruột. Đặc biệt là ở dạ dày tuyến. Bệnh do virus gây ra nên chưa có biện pháp điều trị. Người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:
– Không lấy trứng ở những đàn gà có biểu hiện bệnh thiếu máu truyền nhiễm để làm giống, làm vaccine.
– Gà phải được tiêm phòng vaccine sống nhược chủng CAV – CUX.I hoặc TAD Thymo vac của Đức. Cho uống lúc gà 1 – 3 ngày tuổi đối với gà nuôi thịt. Cho uống nhắc lại lúc 16 – 20 tuần tuổi trước khi đẻ.
– Cần phải tăng cường kiểm soát an toàn sinh học cho đàn gà bằng phương pháp tổng hợp.
– Thực hiện kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng tốt.
– Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống.
– Tích cực phòng trị các bệnh gây suy giảm miễn dịch: Gumboro, cầu trùng, viêm gan virus.
Tầm soát khi gà phát bệnh:
– Khi gà bị bệnh, cần tăng cường sức đề kháng và khả năng sản xuất máu cho gà. Bằng cách bổ sung các chất điện giải, vitamin và khoáng, đồng thời kết hợp việc giải độc.
– Kiểm soát các bệnh kế phát bằng cách sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng. Như Ampicoli, Amoxicilline, Florfenicol, Doxycycline, Neomycine, Lincomycin…