Gần đây chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến bệnh thương hàn trên gà. Đây là căn bệnh gây ra bởi virus Salmonella khá phổ biến, chúng cũng không khó giải quyết đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nên các bài viết của chúng tôi chưa đề cập đến. Nhưng có lẽ thương hàn trên gà thịt lại gây khó khăn cho nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc những nhà chăn nuôi mới vào nghề. Do vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về thương hàn gà và cách phòng trị.
Mục Lục
Nguyên nhân gây bệnh thương hàn ở gà
Bệnh do vi khuẩn Salmonella gallinarum và Salmonella pullorum gây ra. Bệnh có thể lây lan từ mẹ sang con và truyền giữa các con gà trong đàn. Vi khuẩn từ buồng trứng xâm nhập vào phôi hoặc từ lỗ huyệt lây lan qua vỏ trứng, rồi vào trong máy ấp trứng và truyền lây cho gà con. Quá trình lây truyền ngang có thể xảy ra thông qua tiếp xúc trực tiếp với cá thể bệnh hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc với thức ăn, nước uống, chất thải hay dụng cụ chăn nuôi mang mầm bệnh.
Các triệu chứng khi gà mắc thương hàn
Mỗi lứa tuổi gà khi mắc bệnh thương hàn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Mỗi thể bệnh cũng có biểu hiện khác nhau.
Thể cấp tính
- Với trứng gà mang trùng nhiễm từ máy ấp đến ngày nở, gà con không làm vỡ được vỏ trứng để chui ra nên bị chết ngạt.
- Trứng nhiễm bệnh có thể bị chết phôi, thai chết trước khi nở, số còn lại nở ra ốm yếu và phát bệnh ngay sau đó.
- Gà bệnh ốm yếu, trọng lượng thấp, bụng trễ xuống do lòng đỏ không tiêu nhưng nếu bệnh nặng kéo dài 1¸ 2 tuần, trong trường hợp này con vật suy yếu trầm trọng, viêm ruột nặng thở khó dần rồi chết.
Thể mạn tính
- Gà gầy yếu, ủ rũ, xù lông.
- Niêm mạc và mào, yếm nhợt nhạt do thiếu máu, bụng tích nước trương to, tiêu chảy, phân có màu trắng bết ở hậu môn.
- Gà mái giảm đẻ, vỏ trứng xù xì, lòng đỏ có máu.
- Ở gà lớn đôi khi bệnh cũng xảy ra ở thể cấp tính (nhiễm trùng huyết), gà đột nhiên ủ rũ bỏ ăn, tiêu chảy nặng và có thể chết đột ngột do viêm các phủ tạng trong cơ thể.
Ở gà con
Gà bị tiêu chảy, phân trắng xuất hiện chất nhày, đặc biệt là vùng lông xung quanh hậu môn dính phân bết lại. Túi lòng đỏ không tiêu có mùi hôi khắm, trong có chứa chất nhầy màu trắng. Giải phẫu thấy gan và lá lách sưng to, xuất hiện nhiều điểm hoại tử có màu trắng lấm tấm. Quan sát thấy thận gà sung huyết đỏ, phổi tim và thành dạ dày có nhiều điểm trắng xám nhạt. Màng ngoài bao quanh tim có chứa nhiều dịch rỉ vàng. Ruột viêm với các mảng trắng trên niêm mạc ruột. Gà có thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 – 4 ngày, ở thể cấp tính tỷ lệ chết cao, từ 70 – 100%.
Ở gà trưởng thành
Thường có biểu hiện tiêu chảy phân loãng màu xanh, khát nước, mào nhợt nhạt. Gà mái bị bệnh xoang bụng tích nước do viêm buồng trứng và viêm phúc mạc, bụng gà trễ xuống. Gà ốm yếu, giảm ăn, sụt cân. Với gà đẻ, tỷ lệ đẻ giảm, ống dẫn trứng và buồng trứng bị viêm, nang trứng méo mó dị hình. Gà trống bị bệnh thì chủ yếu là viêm dịch hoàn.
Chẩn đoán bệnh thương hàn gà
Chẩn đoán lâm sàng: Bệnh xảy ra ở thể cấp tính ở gà con, thể mãn tính ở gà lớn.
Triệu chứng tiêu chảy, phân có màu trắng, bụng trễ xuống, mào, yếm nhợt nhạt, viêm khớp.
Bệnh tích: viêm loét ở ruột, hoại tử ở các cơ quan phủ tạng: gan, tim, dạ dày, lách sưng to.Cần phân biệt với: bệnh cầu trùng, nấm phổi, bệnh lao.
Chẩn đoán vi khuẩn học: Lấy máu gà bệnh hoặc phủ tạng cấy vào môi trường tăng sinh kiểu Mule – Kopman hoặc các loại môi trường khác rồi làm phản ứng sinh hóa và tiêm động vật thí nghiệm (thỏ).
Chẩn đoán huyết thanh học:
– Phản ứng ngưng kết.
– Phản ứng kết tủa khuếch tán trên thạch.
Phương pháp phòng ngừa thương hàn trên gà
- Chọn con giống hay trứng ấp phải được nhập từ những cơ sở đủ uy tín, không có bệnh. Sát trùng chuồng trại, rửa dọn chuồng nuôi, dụng cụ. Không để phân bẩn tích tụ trong trại nuôi, phun sát trùng 1 – 2 lần/tuần.
- Chuồng trại không được quá nóng hay lạnh. Không được quá ẩm thấp, bẩn, nước đầy đủ và luôn sạch… Chú ý đến mật độ nuôi hợp lý. Dùng formol xông lò ấp trứng để tiêu diệt mầm bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra vệ sinh máng ăn, máng nước, bổ sung các nguyên tố vi lượng, vitamin để tăng sức đề kháng cho gà. Chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng giai đoạn, từng giống gà khác nhau.
- Nên định kỳ xét nghiệm bệnh, chẩn đoán và sàng lọc những con bị nhiễm bệnh bằng phương pháp PCR. Từ đó cách ly và có các biện pháp phòng trị hiệu quả, kịp thời.
Cách trị bệnh thương hàn cho gà
Khi phát hiện gà có các triệu chứng bệnh cần lập tức cách ly những con yếu, bệnh ra một khu vực riêng để điều trị. Sau đó, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi liên quan và ở gần khu vực phát bệnh. Người nuôi có thể sử dụng các loại thuốc sau để điều trị:
Những con gà bị bệnh, dùng Tetracyclin hoặc Oxytetracyclin trộn vào khẩu phần thức ăn. Cho đàn gà ăn liên tục trong 3 – 5 ngày. Những con có biểu hiện yếu thì tách ra, dùng thuốc Spectinomycin để tiêm, đồng thời tiêm thuốc trợ sức trợ lực như Vitamin B1, Vitamin C và cafein. Ngoài ra cũng cần bổ sung thuốc trợ lực cho đàn gà khỏe như Glucose kết hợp Vitamin ADE, men tiêu hóa và thuốc giải độc gan thận hòa với nước cho gà uống từ 10 – 15 ngày để tăng cường sức đề kháng cho đàn gà nuôi.