Trước đây, việc những đàn gà được nuôi thả tự nhiên, tìm mồi trong vườn nhà, ruộng lúa, bờ tre, sườn đồi, khe nước được nhiều người lựa chọn. Điều này giúp gà có chất lượng thịt chắc, ngon, thơm. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ dân số và mật độ của khu dân cư, đô thị ngày càng tăng người chăn nuôi không phải ai cũng có điều kiện nuôi gà theo hướng thả vườn, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về thịt gà lại ngày càng tăng. Do đó, nuôi gà thịt nhốt chuồng làm sao để vẫn cho ra thành phẩm chất lượng không thua kém gà thả vườn là điều được nhiều bà con quan tâm và tìm hiểu. Vì thế, bài viết này, sẽ chia sẻ tới bà con kỹ thuật nuôi gà thịt nhốt chuồng đem lại hiệu quả cao.
Mục Lục
Đánh giá ưu điểm của mô hình nuôi gà nhốt chuồng
Ngành chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và nuôi gà nói riêng đang có những bước phát triển vượt bậc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Theo xu hướng chuyển dịch đó thì các mô hình chăn nuôi gà khác nhau cũng nở rộ. Như: mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi gà thả vườn kiểu mới – nuôi trên sân cát, nuôi gà đẻ trứng, nuôi gà nhốt chuồng… Trong đó, mô hình nuôi gà nhốt chuồng được xem là điển hình, phổ biến. Đặc biệt là cho năng suất cao hơn cả. Ưu điểm của mô hình nuôi gà nhốt chuồng:
- Quy mô đa dạng phù hợp với hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi công nghiệp.
- Chuồng gà được xây dựng kiên cố. Vậy nên dễ dàng lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống sưởi khi trời lạnh. Đảm bảo cho đàn luôn trong tình trạng phát triển tốt nhất.
- Thuận tiện trong việc phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là vệ sinh chuồng trại.
- Bảo vệ đàn gà, hạn chế được sự tác động của môi trường xung quanh. Hạn chế được dịch bệnh cho toàn bộ vật nuôi. Hạn chế thiệt hại kinh tế cho chủ trang trại.
- Đàn gà phát triển đồng đều hơn so với các mô hình nuôi thả vườn.
- Kiểm soát tối ưu nhất từ số lượng, điều kiện thú ý, khâu quản lý, nuôi dưỡng. Từ đó tiết kiệm được tối đa chi phí, công sức. Ngoài ra còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Kỹ thuật nuôi gà thịt nhốt chuồng
Hướng dẫn làm chuồng nuôi gà thịt
Với bộ óc sáng tạo, nhiều bà con có cách làm chuồng nuôi gà vừa không mấy tốn kém, lại tiện cho việc chăm sóc. Do vậy, lý tưởng nhất là bà con căn cứ thực tế (vốn, giá cả nguyên vật liệu, khả năng tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn.v.v.) để xây dựng chuồng trại chăn nuôi cho hợp lý. Chúng tôi chỉ xin lưu ý bà con một số nguyên tắc cơ bản:
- Chọn vị trí đặt chuồng nuôi xa khu dân cư, xa sông ngòi. Qua đó để không ảnh hưởng đến môi trường đô thị và dễ kiểm soát dịch bệnh khi cần.
- Chuồng nuôi phải cao, thoáng, mát, ngoảnh mặt về hướng đông hoặc đông nam. Nền chuồng xây sao cho tránh trơn trượt, dễ thoát nước. Mái chuồng đảm bảo tránh mưa, tránh nắng. Tránh nóng cho đàn gà được là tốt nhất. Tường bao chuồng gà có thể xây bằng gạch. Xây kín toàn bộ hoặc xây lửng, phía trên phủ bạt. Hoặc quây bằng lưới thép, có bạt che.
- Chuẩn bị hố sát trùng gần chuồng nuôi. Trang bị biển báo nhắc nhở khách đến tuân thủ cách khử trùng trước khi vào khu vực nuôi gà.
- Đảm bảo mật độ nuôi gà 6–8 con/m2. Cứ mỗi một m2 này, bà con bố trí 1 bóng đèn um gà công suất 75W để dùng khi cần. Nếu quan sát thấy gà nằm tụ quanh bóng đèn, tản ra xa khỏi bóng đèn hoặc nằm tụ vào một góc thì chứng tỏ, nhiệt độ chuồng nuôi có vấn đề. Lúc đó, bà con điều chỉnh làm sao để gà thấy thoải mái đi lại tự do trong chuồng là được.
Hướng dẫn chọn giống gà thịt nhốt chuồng
Là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định chất lượng đầu ra của đàn gà thịt và hiệu quả kinh tế của hoạt động chăn nuôi, chọn giống là khâu nên được dành cho sự quan tâm đặc biệt. Có thể nói, chưa bao giờ thị trường giống gà lại đa dạng. Việc tiếp cận nguồn giống lại tiện lợi như hiện nay. Để nuôi gà lấy thịt, bà con có thể chọn các giống gà nội địa có giá trị kinh tế cao. Như gà ri, gà Hồ, gà tàu vàng, gà Đông Tảo. Hoặc các giống gà lai, gà Tam Hoàng, Lương Phượng.
Dù chọn nuôi giống gà nào, bà con cũng nên nhập giống ở các trang trại có tên tuổi, uy tín. Đặc biệt là có hỗ trợ người mua những thông tin về kỹ thuật càng tốt. Khi chọn mua gà làm giống, bằng cảm quan, bà con hãy lựa những con nhanh nhẹn. Gà phải có mắt sáng, lông mịn, bông xốp. Thân mình mập, da săn.
Thức ăn cho gà thịt nhốt chuồng
Tùy mục tiêu của mà bà con có thể cho gà ăn toàn bộ thức ăn công nghiệp, ăn bán công nghiệp hoặc kết hợp theo một tỉ lệ hợp lý các sản phẩm phụ của nông nghiệp và thức ăn công nghiệp. Các phụ phẩm nông nghiệp có thể kể đến thóc dẹt, gạo tấm, ngô. Một khẩu phần ăn tốt là khẩu phần ăn đảm bảo gà có đủ năng lượng để hoạt động và tăng trưởng cân nặng, đạm, khoáng, vitamin.
Khi gà dưới 15 ngày tuổi, bà con dùng máng chuyên dụng để đổ thức ăn vào cho gà con ăn. Mỗi máng treo hình trụ chứa đầy thức ăn sẽ đủ cho 50 gà con ăn trong 24 giờ. Thức ăn còn thừa, bà con nên dọn dẹp và đổ bỏ đi để thay mới. Cùng với thức ăn, nước uống sạch là không thể thiếu cho gà. Máng nước nên treo hoặc đặt dưới nền xen kẽ với máng ăn để gà tiện ăn, uống.
Cách phòng bệnh cho gà
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và cách phòng bệnh tốt nhất là thông qua việc vệ sinh chuồng trại. Trước khi cho gà vào chuồng nuôi, bà con nên rải trấu, cát hoặc mùn cưa trên nền chuồng. Qua đó để quét dọn định kỳ. Tránh phân gà lại trở thành nguồn phát sinh bệnh tật. Bên cạnh đó, bà con nên đặc biệt nghiêm túc thực hiện tiêm vắc – xin phòng bệnh cho đàn gà. Tránh các bệnh do vi trùng gây ra. Quan trọng hơn nữa, tuyệt đối không nuôi nhiều lứa gà trong một chuồng nuôi. Trước khi nuôi lứa gà mới, bà con cần khử trùng chuồng nuôi sạch sẽ.
Với những điều đã chia sẻ trên đây, chúng tôi mong rằng bà con đã có những thông tin cơ bản để phục vụ quá trình nuôi gà thịt, phát triển kinh tế gia đình. Chúc bà con thành công.