Nấm mốc có thể tạo ra độc tố, được gọi chung là độc tố nấm mốc mycotoxin. Trong số đó, Aflatoxin là độc tố nguy hiểm nhất. Aflatoxin được phát hiện lần đầu tiên trong trận đại dịch ở Mỹ năm 1960, khiến hơn 100.000 con gà tây thiệt mạng. Bệnh do aflatoxin không chỉ gây ngộ độc, rối loạn chức năng, suy giảm miễn dịch, suy thoái gan, thận mà còn có thể gây chết vật nuôi trong trường hợp ô nhiễm độc tố cao. Nếu không sớm thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi gia cầm.
Mục Lục
Nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc Aflatoxin là gì?
Do một số loại nấm có khả năng sản sinh ra độc tố Aflatoxin và các độc tố khác gây hại cho gà. Tên những nấm thường gây bệnh như sau:
– Asperigillus flavus: Sản xuất ra 14 loại độc tố trong đó độc tố B1 là độc nhất.
– Asperigillus ochracens: Sản xuất ra độc tố màu đất son. Trong đó độc tố A và B là cơ bản nhất.
– Fusariums: Sản xuất ra một số lượng độc tố. Trong đó zearalione và Trichothecenes là quan trọng nhất.
Quá trình hình thành nấm: Do các hạt ngũ cốc (ngô, lạc, đậu tương, lúa, gạo…) bị tổn thương. Do quá trình thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, hoặc do côn trùng kiến, mọt đục khoét. Nấm phát triển dễ dàng bắt đầu từ những hạt ngũ cốc bị xây xát trong điều kiện độ ẩm trên 14%. Trong chăn nuôi gia cầm, nếu máng ăn, máng uống không được vệ sinh thay rửa thường xuyên. Thức ăn còn tồn đọng kéo dài cũng có thể phát triển nấm gây độc cho gia cầm.
Triệu chứng và tác hại của ngộ độc Aflatoxin
Triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào độc tố và thời gian (dài hay ngắn) mà gia cầm ăn phải thức ăn có độc tố. Sự nhiễm Aflatoxin được biểu hiện qua các triệu chứng sau:
- Gia cầm non chậm lớn, kém ăn, rụng lông, đi khập khiễng, co giật và da tím tái.
- Phân tiêu chảy đôi khi nhiễm máu. Do nhiễm độc tố nặng làm xuất huyết ruột.
- Bệnh nhiễm độc kéo dài thấy phân xanh và thức ăn sống (còn nguyên tấm, ngô).
- Gia cầm đẻ giảm tỷ lệ trứng và có nhiều điểm máu ở trong trứng.
- Xác gầy ốm.
- Khả năng mẫn cảm với các bệnh khác tăng. Do sự suy giảm hệ thống miễn dịch và suy giảm khả năng hấp thu các vitamin.
Các Aflatoxin đặc biệt độc với gan gia cầm, gây hại mô và ngăn cản sự tổng hợp protein ở gan. Dẫn đến tốc độ tăng trưởng bị cản trở và sản lượng trứng giảm. Bên cạnh đó nó cũng ức chế sự tiêu hóa mỡ và sắc tố ở gia cầm do việc giảm sản xuất muối mật. Ngoài ra, Aflatoxin còn can thiệp vào sự trao đổi Vitamin D. Từ đó gây tổn thương tới chân và xương. Chúng cũng có thể làm yếu các mao mạch máu, làm tăng tỷ lệ bầm tím trên thân thịt.
Bệnh tích gia cầm nhiễm độc Aflatoxin
Gan bị tụ máu và có những vùng xuất huyết và hoại tử. Ở vịt con và gà tây có bệnh tích đặc trưng là tăng sinh biểu mô ống dẫn mật. Ở gà trong 2 – 3 tuần đầu tiên xuất hiện sự phá hoại tế bào nhu mô gan và sự tăng sinh tế bào biểu mô. Khi sự nhiễm độc kéo dài có xuất hiện ung thư gan, thận bị tụ máu, đôi khi còn thấy viêm ruột chảy máu.
Vịt con sau 30 ngày cho ăn chế độ có nhiễm Aflatoxin gan to hơn bình thường và có màu nâu hoặc hơi lục, bề mặt gan tổn thương không đều có khi tạo thành những nốt nhỏ rõ ràng. Sau hai tuần, tế bào chất có nhiều không bào xuất hiện rõ rệt hơn và sự tăng sinh ống mật rất lớn. Sau 3 tuần các nốt nhỏ trong gan chứa các tế bào tăng sinh được tách ra khỏi những ống dẫn mật bằng những dãi biểu mô. Từ đó nâng cao hiệu quả và quá trình sinh trưởng.
Cách phòng gia cầm nhiễm độc Aflatoxin
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Loại bỏ những hạt thức ăn bị hư hỏng, nấm mốc trước khi chế biến thành thức ăn. Không cho ăn thức ăn đã bị mốc. Những thùng đựng thức ăn nên để trống một thời gian sau khi đã dùng hết thức ăn. Dùng những chất ức chế nấm phát triển như: Quixalus trộn 1 g/10 kg thức ăn; 8-Hydroxyquinoline trộn thức ăn 0,05% (0,5 g/kg thức ăn); Mycostatin trộn 1 g/ kg thức ăn; Gentian violet trộn thức ăn 0,05 – 0,15% (0,5 – 1,5 g/kg thức ăn); Allech trộn 1 g/kg thức ăn; Propionic axit trộn thức ăn 0,05 – 0,15% (0,5 – 1,5 g/kg thức ăn); Thiabendazone trộn thức ăn 0,01% (0,1 g/ kg thức ăn); Feed curb trộn 0,5 g/kg thức ăn.
Gia cầm bị nhiễm độc Aflatoxin phải làm sao?
Nguyên tắc điều trị: Ngừng hoặc nhanh chóng loại bỏ những thức ăn có nấm mốc, tăng cường bảo hộ khi con vật có triệu chứng trúng độc. Loại bỏ thức ăn nghi mốc, sau đó dùng thuốc tẩy để loại trừ thức ăn trong đường tiêu hóa. Bệnh do độc tố của nấm không có thuốc trị. Biện pháp duy nhất là thay ngay thức ăn đã bị nhiễm độc tố nấm. Sau 1 – 4 tuần gia cầm sẽ trở lại trạng thái bình thường.
– Nên sử dụng đậu tương thay cho bánh dầu lạc ở những đàn gia cầm đã bị nhiễm độc tố nấm, vì đậu tương ít bị nấm hơn.
– Hòa vào nước uống những thuốc trợ sức và giải độc như glucoza 5 – 10 g/lít nước uống, Vitamin C 1 – 2 g/lít nước. Dùng liên tục 5 – 10 ngày sau khi bị nhiễm độc tố Aflatoxin.
– Bổ sung thêm Methionin vào thức ăn để hồi phục chức năng giải độc cho gan (100 g/20 kg thức ăn).
– Trộn Quixalus vào thức ăn liều 1 g/1 – 2 kg thức ăn. Liên tục 5 – 10 ngày.