Cá mú Trân Châu là giống cá được nhân giống thành công giữa dòng cá mú Cọp cái với Nghệ đực. Hiện đây là loại cá biển đem lại giá trị kinh tế cao tại các nước Indonesia và Trung Quốc. Tại Việt Nam cũng đã bước đầu nghiên cứu và nuôi mô hình thử nghiệm và nhân giống thành công con giống cá mú lai này. Đây là đối tượng thuỷ sản có tiềm năng giá trị kinh tế cao. Đồng thời cũng được thị trường tiêu thụ đón nhận nồng nhiệt. Vì vậy triển vọng từ mô hình nuôi cá mú Trân Châu được đánh giá rất có tiềm năng trong thời gian tới.
Mục Lục
Triển vọng từ mô hình nuôi cá mú Trân Châu
Năm 2017, mô hình nuôi cá mú đã hình thành tại Ninh Thuận nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân chính là do kỹ thuật nuôi lạc hậu, con giống chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên, số lượng không nhiều, nhiều kích cỡ, hình thức nuôi theo kiểu “thu tỉa, thả bù”…
Trước thực trạng đó, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Ninh Thuận đã nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá mú Trân Châu nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cá mú thương phẩm của người dân trong và ngoài tỉnh, hạn chế tình trạng nhập giống từ các nước trong khu vực.
Đến nay, quanh Đầm Nại đã có hơn 20 hộ nuôi cá mú Trân Châu với quy mô hơn 20 ha và một số hộ nuôi lồng bè ở phường Đông Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm), thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải).
Mô hình nuôi cá mú có giá trị kinh tế cao
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Ninh Thuận, cho biết: Mô hình nuôi cá mú Trân Châu giải quyết được yêu cầu đa dạng đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi ao nuôi tôm gặp khó khăn do dịch bệnh. Từ đó góp phần khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản quanh Đầm Nại gắn với bảo vệ môi trường. Mặt khác, cá mú Trân Châu có thể thích nghi tốt ở nhiều môi trường và hình thức nuôi sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản của địa phương.
Thời gian nuôi cá mú Trân Châu từ 10 – 12 tháng. Khi thu hoạch trọng lượng đạt 1,2 – 1,5 kg/con, cao hơn so với cá mú đen khoảng 0,3 kg. Giá bán phổ biến từ 180.000 – 220.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lãi từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.
Quy trình xây dựng mô hình nuôi cá mú
Nuôi cá mú Trân Châu mang lại hiệu quả đáng kể cho hộ dân ở xã Tri Hải (Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Việc chủ động quy trình kỹ thuật sản xuất con giống nhân tạo thích hợp với môi trường tại địa phương đã tạo điều kiện cho nghề phát triển.
Chọn địa điểm nuôi
Nơi có địa hình thuận tiện, biên độ giao động của thuỷ triều từ 2-3m
Chất đất: sét, sét pha cát (giữ được nước ao)
Có nguồn nước và chất lượng nước cung cấp cho ao tốt quanh năm.
Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất trong ao nuôi.
Chọn và thả giống
Chọn giống: Kích cỡ đồng đều 10 -12cm, khoẻ mạnh, không dị hình dị tật. Nhất là không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn.
Mật độ thả: 1-2 con/m2
Thiết kế và xây dựng ao nuôi
Ao nuôi có dạng hình chữ nhật, diện tích phù hợp 2000-5000m2
Độ sâu của ao từ 1.5-2.0m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt.
Đáy ao bằng phẳng hơi nghiêng về phía cống.
Cải tạo ao
Tháo cạn nước ao, cày xới lớp đất mặt đáy ao
Bón vôi bột với lượng 1000kg/ha (ao chua phèn có thể dùng đến 3000kg/ha)
Phơi đáy ao từ 1-2 tuần.
Cấp nước vào ao phải được lọc qua lưới lọc có cỡ mắt lưới 40 mắt/cm2 để ngăn sinh vật tạp vào ao.
Mùa vụ thả vào tháng 3-4 hàng năm, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT