Các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã nới lỏng giãn cách. Qua đó việc đi lại, giao thương giữa các thương lái, nông dân ở tỉnh thành khác nhau trở nên “dễ thở” hơn. Nông sản tồn đọng, dồn ứ bởi giai đoạn giãn cách cũng được tích cực đẩy mạnh tiêu thụ. Đồng thời, nhiều mặt hàng như trái cây, lúa, gạo, thuỷ sản cũng tăng giá, công tác xuất khẩu tương đối thuận lợi và đơn giản hơn sau mấy tháng ảm đạm do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước.
Mục Lục
Nhiều loại hoa quả tăng giá trở lại
Giá nhãn tăng gấp đôi
Tại TP Cần Thơ và các tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long… Giá nhãn Idor được thương lái và các vựa trái cây thu mua ở mức 13.000-15.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với hồi tháng 7 và tháng 8/2021. Nhãn xuồng cơm vàng có giá 15.000-16.000 đồng/kg, trong khi trước đó 8.000-12.000 đồng/kg.
Nguồn cung không nhiều nên giá nhãn có xu hướng khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, do đầu ra xuất khẩu vẫn còn gặp khó nên giá nhãn vẫn đang ở mức khá thấp so với các năm trước. Hiện nhiều loại nhãn có giá thấp hơn gần 50% so cùng kỳ năm trước. Vùng ĐBSCL có hơn 24.700ha nhãn các loại, với sản lượng có thể đạt 254.000 tấn/năm.
Dưa hấu đang trên đà tăng giá
Dưa hấu cũng là mặt hàng đang có giá tốt nhất trong nhiều tháng qua. Hiện dưa hấu loại 1 (cỡ 2kg/trái trở lên) có giá 9.000-11.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ và điểm kinh doanh trái cây, dưa hấu đang được bán với giá từ 12.000-15.000 đồng/kg trở lên. Với năng suất đạt bình quân 2,5-3 tấn/công (1.000m2), với giá bán như hiện nay, mỗi công đất trồng dưa hấu nông dân có lãi từ 10-15 triệu đồng/vụ (khoảng 80-90 ngày), thậm chí cao hơn. Một số loại trái cây khác ổn định và tăng so với hồi đầu tháng, như xoài cát Chu có giá 15.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc có giá 40.000 đồng/kg (tăng 13.000 đồng/kg)…
Thuỷ sản đã có giá tốt hơn
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, giữa tháng 10, giá nhiều loại thủy sản đã tăng so với hồi tháng 9. Cụ thể như, cá sặc rằn có giá 35.000-37.000 đồng/kg (tăng 2.000-5.000 đồng/kg), ếch có giá 23.000-26.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), cá điêu hồng 34.000-36.000 đồng/kg, cá rô 25.000-28.000 đồng/kg, cá thát lát 44.000-45.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 40.000-43.000 đồng/kg…
Lúa, gạo Đồng bằng sông Cửu Long ổn định
Tháo gỡ nút thắt vận chuyển
Đối với lúa gạo, hiện các địa phương ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông 2021, giá lúa cũng tăng 200-300 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9. Cụ thể, lúa IR50404 có giá 4.500-4.700 đồng/kg; lúa OM5451, OM6976 có giá 5.000-5.400 đồng/kg, lúa OM18 ở mức 5.500-5.600 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 và RVT từ 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 có giá 6.000-6.100 đồng/kg…
Một thương lái thu mua lúa (ngụ tỉnh An Giang) cho hay, hiện việc đi lại của thương lái thu mua nông sản đã được nới lỏng rất nhiều, chỉ cần có giấy đi đường do doanh nghiệp nơi thương lái bán gạo cấp và có giấy test âm tính là được “thông chốt” chứ không đòi hỏi nhiều như trước đó.
Xuất khẩu cũng khởi sắc
Theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), việc bỏ yêu cầu phải cách ly 14 ngày khi thương lái di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác đã giúp tháo gỡ được nút thắt trong khâu thu gom nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng cho nông dân vùng ĐBSCL.
“Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ ĐBSCL lên TPHCM đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. Việc tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo cũng đã khởi sắc hơn. Khách hàng quốc tế đã quay trở lại. Các doanh nghiệp lại tiếp tục mở cửa thu mua. Từ đó, giúp giá lúa trong dân cũng tăng trở lại 700-800 đồng/kg. Thậm chí 1.000 đồng/kg trong vòng hai tuần nay” – ông Thành nói.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Thu Đông 2021, vùng ĐBSCL xuống giống 714,6 nghìn ha. Đạt 102% kế hoạch và giảm 9,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 56 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha). Sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn (giảm 22 nghìn tấn).
Hậu Giang đang tồn đọng hơn 9.000 tấn nông sản cần tiêu thụ
Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, tính từ ngày 19/7/2021 đến ngày 16/10/2021, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương giới thiệu với các nhà phân phối và đơn vị thu mua đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn cần tiêu thụ như cam, nhãn, xoài, chanh, cá, ếch…
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cung cấp gói combo do Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT triển khai. Kết nối tiêu thụ với HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Kết quả tiêu thụ được hơn 2.479 tấn nông sản các loại; 195 tấn gạo, 350.000 trứng tươi; 39,07 tấn sản phẩm chế biến từ cá (thành phẩm và nguyên liệu).
Tiêu thụ được 33.844 combo (giá từ 75.000-400.000 đồng). Sở Công Thương đã kêu gọi được các đơn vị thu mua gần 345 tấn sản phẩm nông sản các loại. Ngoài ra, các HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu mua hơn 2.134 tấn nông sản các loại của nông dân… Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn trên 9.000 tấn nông sản tồn đọng. Trong đó, mặt hàng thủy sản tồn đọng trên 8.700 tấn do không có thương lái thu mua, hoặc thu mua cầm chừng…
Đồng Tháp mong muốn mở rộng sản xuất và tiêu thụ nông sản
Trong 3 tháng cuối năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài; 600.000 tấn nhãn, 120 triệu quả trứng, hàng chục nghìn tấn cá tra… Cần tìm các đơn vị thương mại kết nối tiêu thụ… Rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đồng Tháp bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác để kết nối thu mua, tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở miền Nam… Với thời gian kéo dài nhiều tháng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa đến các thị trường. “Hiện tỉnh Đồng Tháp còn tồn 30.000 tấn thủy sản. Bao gồm 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè rất cần tiêu thụ. Số lượng thủy sản này rất cần kết nối với các đơn vị thương mại để tiêu thụ gấp.”
Sản lượng lúa hàng năm của Đồng Tháp đạt trên 3,37 triệu tấn. Chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Trong 3 tháng cuối năm 2021, Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP… Diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.600ha. Sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn. Tổng đàn vịt trên địa bàn tỉnh có khoảng 5 triệu con. Lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả.
Hoa kiểng cũng là “đặc sản” của Đồng Tháp với truyền thống sản xuất 300 năm. Mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa. Đây là chuỗi mang lại thu nhập tương đối lớn cho bà con, sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp Tết.