Gà ác hay còn có tên gọi khác là gà chân chì là giống gà nội xương đen, thịt đen, lông trắng. Thịt gà ác được biết đến như một vị dược kê trong y học có thể giúp điều tiết khả năng miễn dịch cơ thể và chống lão hóa hiệu quả. Chính vì thế người ta còn gọi đây là “gà thuốc”. Đặc biệt, trong chăn nuôi các loại gà đem lại giá trị kinh tế cao. Cũng chính vì thế mà việc chăn nuôi gà ác là một trong hướng đi giúp tăng thu nhập cho bà con bởi gà ác là một trong những giống gà rất dễ dàng trong chăn nuôi đồng thời bán giá cao do nhu cầu thị trường ngày một lớn. Sau đây mời bà con nông dân hãy tham khảo trọn bộ kỹ thuật nuôi gà ác lấy thịt.
Mục Lục
Cơ hội đến từ nuôi gà ác
Hiện nay, tại nhiều địa phương của Việt Nam đang phát triển đàn gà ác thương phẩm với nhiều quy mô khác nhau. Đối với nuôi gà ác vốn bỏ ra chỉ bằng 1/3 gà trắng. Trong khi thời gian nuôi lại chỉ bằng một nửa. Do đó, người nuôi sẽ nhanh thu hồi được vốn và lãi. Ngoài ra, nuôi gà ác cũng ít phải lo đến việc giá thức ăn. Vì gà còn nhỏ tiêu thụ cám ít. Chỉ trong vòng hơn một tháng người chăn nuôi có thể thu hồi cả vốn lẫn lời để nuôi thêm lứa khác.
Bên cạnh đó cũng tồn tại những khó khăn. Điển hình như giống gà ác thuần chủng không chịu được thời tiết khắc nghiệt quá nóng hoặc quá lạnh. Đặc biệt vào mùa đông, nếu chuồng trại ẩm ướt, gió lùa và không đủ ấm, gà rất dễ mắc bệnh.
Kỹ thuật nuôi gà ác
Bí quyết chọn giống
Giống luôn là yếu tố đầu tiên quyết định tới hiệu quả mô hình nuôi của bất cứ con vật nào. Đặc biệt với gà ác, giống lại càng quan trọng. Bởi nhu cầu thị trường cần có những con gà ngon, mập ngay từ khi chúng còn nhỏ cho những món ăn đặc sản. Do đó, nên chọn những con gà còn khỏe mạnh. Gà có biểu hiện nhanh nhẹn, mắt sáng, bụng gọn. Lông gà bông mượt, chân mập, trọng lượng gà đạt 20 -22g. Tránh chọn những con vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn, khô chân. Đặc biệt là những con có dấu hiệu lạ.
Tiêm phòng cho gà
Gà được tiêm phòng vắc xin Newcastle lúc 5 ngày tuổi và cúm gia cầm lúc 14 ngày tuổi. Qua đó để theo dõi khả năng đáp ứng miễn dịch đối với 2 loại này. Vắc xin gumboro và đậu gà được chủng lúc 7 ngày tuổi.
Vấn đề chuồng trại
Nuôi gà ác phải làm chuồng cao ráo, thoáng mát. Chiều cao từ nền chuồng đến mái là 3m. Tường bao quanh chuồng xây bằng gạch. Phía trên nên quây bằng lưới thép để tạo thông thoáng, tránh ẩm thấp cho nền chuồng. Do gà là giống gia cầm dễ lây bệnh nên trước khi nuôi gà, sát trùng chuồng trại bằng vôi hoặc các thuốc sát trùng khác. Chú ý để trống chuồng trước khi nuôi từ 15-20 ngày. Ngoài ra, nếu nuôi chúng ngay từ khi còn nhỏ chuồng gà phải được che chắn bởi rèm bên ngoài để giữ nhiệt độ chuồng nuôi và tránh gió lùa.
Kỹ thuật nuôi gà ác ở các giai đoạn khác nhau
Lồng úm cho gà
Lồng úm nuôi 100 con có chiều dài 2m, rộng 1m, cao 0,5m. Lồng úm để đứng trên chân cao 0,4m hoặc cách nền 0,1m. Đáy lót bằng lưới ô vuông có kích thước cỡ 1cm2. Xung quanh lồng úm đóng nẹp tre, gỗ, lưới mắt cáo. Mật độ úm từ 1 ngày tuổi đến 1 tuần là 100 con/m<sup<2. Từ 1 – 2 tuần tuổi là 50 con/m2. Từ 3 – 5 tuần tuổi là 25 con/m2.
Chăm sóc, nuôi dưỡng úm gà ác
– Vệ sinh và sát trùng chuồng úm, máng ăn, máng uống 5 – 7 ngày trước khi đưa gà vào nuôi úm. Lót sàn chuồng úm bằng giấy báo suốt 3 ngày đầu và thay giấy mỗi ngày.
– Sưởi ấm: dùng 1 bóng đèn 75W (hay đèn dầu lớn) cho 1m2 chuồng úm trong suốt tuần đầu và che xung quanh chuồng úm. Điều chỉnh nhiệt sưởi ấm trong thời gian úm: gà con 1 ngày đến 1 tuần tuổi khoảng 34 – 35 độ C. Từ 1 – 2 tuần là 30 – 31 độ C. Từ 2 – 3 tuần là 28 – 29 độ C. Từ 3 – 4 tuần tuổi 25 – 26 độ C. Nhiệt độ trong phòng để chuồng úm nên giữ điều hoà khoảng 25 – 28 độ C cả ngày lẫn đêm.
– Cung cấp nước cho gà con uống ngay sau khi thả gà vào chuồng úm.
– Bắt đầu cho gà ăn 2 giờ sau khi đưa gà vào úm. Thức ăn ban đầu, rải bắp hạt đã xay nhuyễn lên bề mặt của khay ăn hay giấy lót chuồng. Hôm sau cho gà ăn cám hỗn hợp. Từ ngày tuổi thứ 4 mới dùng máng ăn.
Thức ăn cho gà ác
– Sử dụng 100% thức ăn công nghiệp cho gà ăn tự do từ 1 ngày tuổi đến khi xuất bán (5 tuần tuổi). Với công thức thức ăn: năng lượng 2.950 – 3.000 Kcal, đạm 22 – 24%, canxi 1%, photpho 0,53%.
– Bật đèn chiếu vào ban đêm để kích thích gà ăn nhiều.
Phương pháp phòng bệnh
– Chủng ngừa vaccin: từ 3 – 5 ngày tuổi ngừa dịch tả + IB 1 liều/con, nhỏ vào mắt. Từ 7 – 10 ngày tuổi ngừa bệnh Gumboro 1 liều/con nhỏ vào mắt. Từ 10 – 12 ngày ngừa bệnh trái gà 1 liều/con tiêm xuyên màng cánh. Từ 14 – 18 ngày ngừa bệnh Gumboro 1 liều/con nhỏ mắt hoặc uống. 21 ngày ngừa dịch tả + IB 1 liều/con nhỏ mắt. Chỉ chủng ngừa vaccin cho đàn gà khoẻ mạnh. Cho uống nước có pha Polyvitamine, vitamin C, hoặc chất điện giải khi chủng ngừa vaccin.
– Phòng bệnh bằng thuốc và vitamin: từ 1 – 4 ngày tuổi pha nước cho uống với một trong các loại kháng sinh: Tylosine 0,5g/lít, Chloramphenicol 0,2 – 0,3g/lít, Imequyl 0,5g/lít…
– Ngừa bệnh cầu trùng bằng một trong các loại thuốc sau: Anticoc, Avicoc hay ESB với liều 1g/lít vào các thời điểm 10 – 13 ngày và 18 – 20 ngày tuổi. Pha nước với vitamin 3 – 5 ngày/tuần một trong các loại thuốc: Vitaperos 0,2g/lít, Solminvit 0,5g/lít, Vitalytes 0,75g/lít… Có thể trộn thuốc trong thức ăn với liều trộn trong 1kg thức ăn gấp đôi liều pha trong 1 lít nước uống. Khi thời tiết thay đổi hay di chuyển gà, cần bổ sung kháng sinh và vitamin trong thức ăn hoặc nước uống 3 – 5 ngày. Thường xuyên theo dõi tình trạng đàn gà để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Ngưng dùng thuốc kháng sinh trước khi thịt 1 tuần.