Cá trắm cỏ, cá rô phi là những đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để đảm bảo cho việc nuôi cá trắm cỏ hay cá rô phi thành công thì yếu tố quản lý dịch bệnh trên cá và biện pháp phòng trị bệnh cá trắm cỏ, cá rô phi cũng đóng vai trò quan trọng. Cá trắm cỏ, rô phi là hai loại cá phổ biến trong nuôi cá nước ngọt ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, dịch bệnh trên 2 loại cá này gây tổn thất rất nhiều cho các hộ nuôi. Sau đây, gtereads.com xin giới thiệu đến các bạn một số bệnh trên cá trắm cỏ, rô phi và biện pháp điều trị.
Mục Lục
Bệnh đen mình ở cá trắm cỏ
Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là một loài cá nước ngọt được nuôi chủ yếu trên toàn thế giới; đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhờ vào chất lượng thịt thơm ngon, khả năng sinh trưởng tốt và khả năng thích nghi rộng; cá trắm cỏ đã được đưa sang các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển nhanh chóng của nghề nuôi cá trắm cỏ; tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao điển hình là do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Đặc biệt là bệnh đen mình (đen đầu, đen thân, tuột vảy trên cá trắm cỏ).
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân chính gây bệnh là do vi khuẩn Aeromonas sp. Gây ra, đây là một loại trực khuẩn ngắn G (-). Vi khuẩn gây bệnh thường có trong nước, bùn nuôi nước ngọt. Khi môi trường nước thay đổi, mùn bã hữu cơ cao làm tăng số lượng và tăng độc lực vi khuẩn. Rất dễ nhiễm vào cơ thể cá trắm thông qua mang; qua da hoặc đường tiêu hóa của cá không khỏe. Sau vận chuyển, sinh bệnh đen thân, tuột vảy, loét hậu môn. Bệnh thường xảy ra vào tháng 3 – 4 hàng năm, xảy ra với cá sau khi đánh bắt bị xây xát; vận chuyển không đảm bảo hoặc chất lượng môi trường nước nuôi không thuận lợi.
Cách điều trị bệnh
Để xử lý bệnh cần khử trùng nước ao nuôi bằng một trong các loại thuốc sát trùng như BKC hoặc Iodine, hoặc viên sủi khử trùng. Kết hợp với dùng thuốc kháng sinh Sultrim (Sulfadiazine kết hợp Trimethoprime) hoặc Cotrimin hay Florphenicol hoặc Doxycycline trộn vào cỏ hoặc thức ăn viên cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày. Trong quá trình xử lý phát hiện thấy cá đen thân; bỏ ăn nên vớt bỏ ngay nhằm tránh lây sang cả đàn. Cá bị bệnh không xả thải ra môi trường nuôi mà cần được xử lý bằng nhiệt làm chết vi khuẩn gây bệnh rồi tái sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc hoặc cho đối tượng cá nuôi khác (cá lăng, cá ngạnh…); hoặc có thể xử lý làm phân bón cho cây trồng.
Bệnh liên cầu khuẩn ở cá rô phi
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh
Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn liên cầu khuẩn Streptococcus sp. G(+) gây ra, bệnh thường xảy ra trên cá rô phi; cá điêu hồng ở kích cỡ thương phẩm nuôi lồng, nuôi ao. Bệnh thường xảy ra và gây chết nhiều vào mùa hè.
Cá rô phi bị bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn gây ra thường có biểu hiện lồi 1 hoặc 2 bên mắt; cá bỏ ăn, bơi lờ đờ hoặc bơi quay tròn mất định hướng đâm xuống đáy bùn rồi chết. Khi mổ cá bệnh thường thấy hiện tượng tích khí ở ruột, ruột không chứa thức ăn do cá bỏ ăn, ruột xuất huyết, gan tụ máu, có thể còn thấy xuất huyết dưới da bụng. Trên bề mặt hệ thống nuôi cá rô phi thấy xuất hiện phân chứa thức ăn không tiêu hết hoặc bong cả niêm mạc ruột nổi ở góc ao, góc lồng nuôi.
Cách điều trị
Thuốc kháng sinh các dòng Amoxicilline, Florphenicol, Doxycycline đều có tác dụng bằng cách trộn thuốc vào thức ăn cho cá ăn với liều 30 – 50 mg thuốc/kg cá/ngày trong liệu trình 5 – 7 ngày. Thuốc điều trị cho hiệu quả rất nhanh, cá dừng chết nhanh. Nhưng cá rất hay bị tái phát nếu điều trị không đủ liều, đủ giai đoạn.
Khi xử lý bệnh cần quan tâm đến việc sát trùng kép tránh tái nhiễm bằng các loại thuốc sát trùng có tính axít; cần lưu ý đến việc giữ mát; tăng ôxy cho hệ thống nuôi mới mang lại hiệu quả điều trị. Hiện trên thị trường đã có vaccine phòng bệnh này nhưng hiện nay giá cá rô phi thấp. Vaccine dùng để có hiệu quả thông qua đường tiêm nên chưa đưa vào hệ thống nuôi mang tính thương mại.